Chuyện lạ xảy ra xôn xao cả tỉnh Long Xuyên - dân kéo đến thờ lạy Đức Mẹ

Theo tự thuật của Cha Toma, năm 1890 có vài gia đình Công giáo sống chung với lương dân trên một cái cồn có tên là Cồn Bà Sang, sau này đổi thành Cồn Trên.

Năm 1900 một ngôi nhà thờ làm bằng lá được cất lên. Nhưng rồi do tình trạng lở đất, xói mòn giáo dân phân tán dần nên nhà thờ phải di dời lệch đi đôi chút.

Năm 1963 nhà thờ được xây lại, tuy nhỏ bé nhưng có phần khang trang hơn và nhận thánh Anton Paduava làm bổn mạng. Mười lăm năm sau tình trạng sụp lở vẫn tái diễn. Ngôi nhà xây dựng năm 1978 cũng xuống cấp trầm trọng cùng với hiện tượng xói lở rất nguy hiểm. Việc dự kiến xây dựng ngôi nhà thờ mới tiếp tục được triển khai.

Ngày 04.03.2007 khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới như hiện nay. Sau 15 tháng xây dựng, ngày 16.06.2008, ĐGM  Giuse Trần Xuân Tiếu khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường Cồn Trên.

Hiện nay vỏn vẹn chỉ khoảng 260 giáo dân, sống bằng nghề sông nước đánh bắt cá tôm, làm ruộng. Đời sống kinh tế đa phần thuộc diện đói nghèo, thực sự rất khó khăn.

Cũng theo lời tự thuật ngắn gọn của cha Toma,  được biết tượng ảnh Đức Mẹ Cồn Trên được đặt lên từ năm 1976, ngay khi cha Toma chịu chức ( khoảng tháng sáu)  được bổ nhiệm về coi sóc giáo xứ.

Trong gian nan khốn khó, thử thách trăm bề, năm 1995 ngài  nằm mơ thấy Đức Mẹ cho biết chính Mẹ chọn nhà thờ này như xưa Mẹ chọn ở Lộ Đức- Pháp nhưng “ Ta là Mẹ nhân loại”.

Khi hiểu điều đó, ngài ô cùng hoảng sợ, lo lắng bối rối …chỉ muốn từ  chối cho yên chuyện: “Thôi con chấp tay…Con  lạy Mẹ một trăm lạy… Mẹ chọn nơi nào, nhà thờ  nào khác, Mẹ nhờ ai khác thì nhờ (thân con: Ngu- Ngang-Nghèo)…Con “Chả dám” đâu!   

Đúng một năm sau, ngài nghĩ lại thấy tiếc: Tiếc cho Cồn Trên! Tiếc cho bản thân! Và tiếc cho bá tánh! Lương giáo gần xa… Họ đến Cồn Trên Viếng Đức Bà để xin ơn Chúa  nhờ Mẹ Maria cầu thay nguyện giúp! Nhưng  nếu ngài không nhận thì chẳng ai được gì ! Ngài thầm nhủ nén vàng, nén bạc được Chúa trao, được Mẹ uỷ thác mình không nhận, không sinh lời thì còn trông mong gì !       

Vậy là sau một năm , ngài mới “xin vâng ’’ …       

Ngài lấy hết can đảm đi trình bày với Giáo quyền,  xin phép chính quyền  để Cồn Trên từ đó (cuối năm 1996)  dành nơi tôn vinh và làm sáng tỏ chức năng mẹ chung và tình  Mẹ  nhân loại của Đức Maria … qua việc Viếng Đức Bà :

-Hằng ngày vào buổi tối

-Hằng tuần vào chiều thứ Bảy

-Hằng tháng vào ngày 10 âm lịch

-Hằng năm vào ngày 10  tháng 10 âm lịch là Đại Lễ  Viếng  Đức Bà !

Vậy là từ đó : Những ơn ban, chứng tích (Còn gọi là phép lạ rất là nhiều ! Đủ mọi thứ ơn :

-Người được tiêu trừ bệnh tật ! Có người được ổn định gia đạo ; làm ăn thuận lợi, trang trải nợ nần…

 -Người được ơn này, kẻ được ơn khác.

*** ***

Hai dấu lạ điển hình tại linh đài Đức Bà Cồn trên:

- Chị Liên vợ anh Ngãi, sống tại đây được Mẹ chữa khỏi bệnh ung não ngay tại linh đài. Trước đó chị đã chữa chạy khắp nơi nhưng vô phương cứu chữa. Không biết cậy trông vào ai, nhà quá nghèo cơ cực, chị quỳ trước Mẹ khóc lóc van xin. Một ngày sau đó bỗng nhiên chị thấy khỏe ra và những tuần tiếp theo không còn dấu hiệu bệnh tật gì.

- Một Lương dân chủ tiệm mộc. Một ngày kia đang khi hành nghề chẳng may bị một cái đinh đâm vào lủng mắt, máu chảy ròng ròng ai cũng hoảng sợ. Anh được Đức Mẹ chữa khỏi không bị cắt bỏ mà còn sáng trong như trước. Đức Mẹ bảo anh: “ Đóng cho cha chánh xứ một chiếc ghế tại tòa Giải tội. Hôm đó ngay lập tức ông đến xin, cha không cho vì sợ dư thừa,  ngài sợ đóng cây ghế bế thế tốn kém, trong khi ông lại nghèo.Không được như ý ông quỳ dưới chân cha khóc lóc van xin, cha nhận lời. Năm 2001, ông xin được học giáo lý và Rửa tội. Cây ghế tại tòa giải tội hiện nay vẫn mới đẹp y nguyên cùng với tấm ảnh chụp lại lời tạ ơn ghi nhớ của ông.

----------------------
Đây là chuyện có thật 100% xảy ra trên quê hương Cù Lao Giêng của tôi, chính nhân chứng hiện giờ vẫn còn sống gần khu vực nhà mình. Không hề hư cấu:

Ơn Trời đổ xuống đã lâu 

Mà nay tôi mới bắt đầu lược ghi  

Lý do là tại bởi vì 

Chính tôi làm biếng, chẳng gì khác đâu. 

Một sáng nọ, có khoảng 15 người, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ đến Cồn Trên viếng Đức Bà. Họ đọc kinh, lần chuỗi, hát Thánh ca và sụt sùi khóc để cầu xin ơn. Xong, họ kéo nhau vô nhà xứ chào thăm tôi. Họ nói: “Thưa Cha, người nhà của chúng con đau nặng, đang nằm bệnh viện cấp cứu và điều trị. Xin Cha thương cầu nguyện, khấn cho”. 

Tôi hỏi: “Bệnh gì? Nằm ở nhà thương nào?”

Họ chỉ tay về phía người đàn ông khoảng 40 tuổi, đứng khuất ở hàng cuối, gần góc phòng khách. Họ nói: “Kìa, anh Ngãi! Vợ anh thì anh đứng ra, trình bày cho cha nghe”.

Người đàn ông tên là Ngãi tiến ra, hơi thiếu bình tĩnh nói: “Thưa cha, vợ con bị bệnh u não. Cả đầu, cả mặt đau nhức kéo dằn xuống cần cổ, không nuốt được. Người nhà cứ phải đổ cho từng muỗng cháo, muỗng nuớc, không nói được. Ú a, ú ớ, ngọng ngọng, đớt đớt. Một cánh tay bị liệt, sụi bại, không cử động được”.

Tôi lưu ý tất cả họ: “Ơn mà anh chị em xin, không nhỏ! Vậy càng cần phải hiểu rõ sứ điệp Mẹ Chung. Theo ý Chúa, Mẹ Maria chọn Cồn Trên là để làm sáng tỏ tình Mẹ Nhân Loại, Mẹ Chung của mọi người.

Mẹ Maria muốn nói với thời đại chúng ta, người Công giáo cũng như người không Công giáo, điều mà Chúa Giêsu đã công bố trên Thánh Giá ngày xưa: “Này là Mẹ con… Này là con Bà” (x. Ga 19,25 -27). Giáo lý Công giáo luôn giải thích: Chúa Giêsu đã trăn trối Đức Mẹ cho thánh Gioan thay mặt loài người, đại diện cho cả loài người, không trừ ai. Kinh nguyện Giáo Hội còn khẳng định mạnh mẽ: ‘Chúa đặt Đức Maria làm Từ Mẫu của nhân loại’. Vậy, Cồn Trên từ năm 1995 tôn vinh và làm sáng tỏ chức năng Mẹ Chung của Đức Maria qua việc Viếng Đức Bà:  

Hằng ngày vào buổi tối.  

Hằng tuần vào chiều thứ Bảy.  

Hằng tháng vào ngày 10 âm lịch. 

Hằng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch là Đại Lễ Viếng Đức Bà. 

Rủ nhau đi viếng Đức Bà,  

Cả lương lẫn giáo chúng ta đi cùng. 

Đức Bà nhân hậu khoan dung, 

Đức Bà là Mẹ của chung mọi người”. 

Tôi nhấn mạnh từng chữ như kết luận: “Đức Bà là Mẹ của chung mọi người. Rất mong tình Mẹ Chung được sáng tỏ”.

Họ xin tôi một chai nước phép. Thú thật, những ngày tháng đầu (khoảng năm 1996-1997), hết người này xin làm phép nước, người khác xin làm phép nước. Không làm thì giận! Cũng phiền… Tôi mới vận dụng việc làm phép nước thánh ngày Chúa nhật: Một lu để rảy trên dân chúng.

Sau đó, ai muốn xin thì cứ việc múc: chai, thùng. Rồi thường họ đưa ra đài Đức Bà van vái cầu xin thêm: “Xưa tại tiệc cưới Cana, nhờ Đức Bà can thiệp mà Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu. Nay chúng con không cần rượu nhưng cần thuốc.

Vậy xin Đức Bà can thiệp để Chúa biến nước thành thuốc, chữa bệnh phần hồn, chữa bệnh phần xác.” Họ cũng xin tôi bản kinh Viếng Đức Bà để đọc và nội trong ngày là chuyển lên cho bệnh nhân.

Mấy bữa sau, nhà thương cho bệnh nhân về. Bác sĩ nói nhỏ cho biết: “Mổ cũng chết, tốn tiền và thêm đau đớn. Thà để bệnh nhân toàn vẹn thân thể. Sống được ngày nào hay ngày nấy”.

Người nhà chở bệnh nhân về tới Cù Lao Giêng thì rất may! Ngày hôm sau là ngày Viếng Đức Bà hằng tháng (mồng 10 tháng 11 năm Tân Tỵ 2001, không phải mồng 10 tháng 10 âm lịch Đại Lễ). Hai vợ chồng bàn tính chở nhau lên, còn nước còn tát…  Xin Đức Bà Cồn Trên cứu giúp, cho khỏi, cho bớt hoặc không thì xin cho được ơn chết lành.

Anh chị đến khi nào thì tôi không biết nhưng chắc chắn lúc đó là 8 giờ 30, tôi đang ngồi giải tội tại nhà thờ. Người chồng đợi cho người đang xưng tội vừa xong, anh liền đưa mặt vô ghế tôi ngồi, mếu máo trực tiếp nói với tôi: “Thưa cha, con đã chở vợ con về.

Nhà thương chạy rồi, cha ơi! Xin cha giải tội cho vợ con”. Tôi bảo anh: “Con ra nói với những người đang xếp hàng đã chờ lâu, để họ thông cảm cho vợ con là bệnh nhân vô trước, kẻo có sự hiểu lầm, không hay!”

Thú thật, tôi không nghe chị xưng được tội nào: Ú a, ú ớ, đớt đớt, ngọng ngọng… Nhưng tôi ý thức: Khi linh mục đi kẻ liệt, gặp bệnh nhân nằm ngay chò, không còn biết gì nữa, miễn là còn sống. Linh mục khẩn trương thay mặt Chúa, đại diện Giáo Hội, giơ tay “giải tội lòng lành”, thì đây là một bệnh nhân với căn bệnh ngặt nghèo kể như “thập tử nhất sinh” đến được với tòa giải tội là quý lắm rồi!

Tôi khuyên bảo chị mấy lời, mục đích giúp chị thêm niềm tin tưởng vào lòng Chúa xót thương và Mẹ Nhân Loại Maria từ ái, rồi tôi giơ tay tha tội, với lời kết thúc: “Vậy cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tôi thấy cũng lạ! Chị thưa rõ ràng: “Amen. Con cám ơn cha”. Tôi xin được nói ngay, đây mới chỉ là dấu hiệu dẫn tới chỗ Mẹ cứu chị hoàn toàn.

Sau đó, chị ra ghế đá gác chuông, đối diện đài Đức Bà. Còn tôi giải tội tiếp cho người ta. Đang giải tội thì tôi nghe chuông đổ hồi. Đây là hồi chuông bình thường, báo hiệu còn 15 phút nữa là 9 giờ: phiên viếng thứ II /IV trong ngày.


Tôi vội vàng đứng dậy kiếu mọi người, không giải tội nữa vì tôi còn phải về phòng loa để nhắc nhở khách hành hương về sứ điệp Mẹ Chung. Khi tôi vừa ra khỏi cửa nhà thờ, thì chị tiến lại xin kiếu để về. Tôi biết chị cũng đã đọc kinh, lần chuỗi, xưng tội và cầu nguyện…


Đủ rồi. Và bệnh nhân lúc này rất mỏi mệt cần về nhà, nằm võng, nằm chõng nghỉ lưng. Nhưng không hiểu sao, tôi vừa đi vừa nói với lại lớn tiếng như ra lệnh rõ ràng và dứt khoát: “9 giờ là giờ viếng, con phải ở lại. Hơn nửa tiếng là xong”. Bệnh nhân vâng lời ở lại và trong giờ viếng 9 giờ hôm đó, chị đã được ơn khỏi bệnh hoàn toàn.

Ba bữa sau, chị tỉnh táo đến cùng với chồng, ông già chồng và ít người khác. Chị kể tại phòng khách nhà xứ: “Thưa cha, Đức Bà Cồn Trên đã cứu con một cách rất lạ lùng”. Hôm đó cũng có lai rai những người từ nơi khác đi hành hương. Tôi lặp lại để mọi người nghe cho rõ: “Nào, chị kể xem Đức Bà Cồn Trên đã cứu chị một cách rất lạ lùng là làm sao?”.


Chị cảm động nói: “Bữa hổm, vâng lời cha, con ở lại dự viếng 9 giờ. Đang viếng thì trên đỉnh đầu con rần rần, xoáy xoáy rồi từ từ rút xuống, nhẹ tới đâu con biết tới đó. Khi đã cảm thấy nhẹ, khỏe, con giơ cánh tay bại xụi lên nhấp hai cái. Quá mừng! Con đưa hai tay lên vuốt tóc. Cha ơi! Lúc đó con chỉ muốn bật òa khóc lớn. Lập tức, con ý thức đang trong giờ viếng, cầu nguyện, nên con cầm lòng cầm trí cùng người ta lần chuỗi. Nhưng nước mắt con cứ đầm đìa, dàn dụa… Mừng quá, cha ạ! Chúa và Đức Bà Cồn Trên đã thương cứu con!”


Người chồng ngồi yên lặng mãi tới lúc này mới lên tiếng: “Thưa cha, con đã thấy cử chỉ, thái độ của vợ con có khác, nhưng không ngờ! Viếng xong, con chở vợ con về, chạy xe được một chút, vợ con vỗ nhẹ vai con thỏ thẻ: ‘Anh ơi, em đã được Đức Bà Cồn Trên cứu. Em khỏi bệnh rồi’. Chúa ơi! Con tá hỏa, bàng hoàng. Quá kinh ngạc! Bình tâm nghĩ lại con chỉ biết tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Bà”.

Từ ngày đó về nhà, chị sinh hoạt bình thường: chợ búa, cơm nước, nhà cửa, lại còn nuôi heo và cưới vợ cho con trai.

Chị tên là Maria Lê Thị Duyên. Chồng là Tađêô Nguyễn Hiếu Ngãi, con ông cố Ba Lũy. Nhà ở giáo xứ Cù Lao Giêng, gần giáp ranh giáo xứ Cồn Trên thuộc giáo phận Long Xuyên.

Cha sở tiên khởi giáo xứ Cồn Trên

Linh mục Tôma Nguyễn Văn Mân

(Biệt danh: Cha Tôma Đức Bà)
-------------------


Mới hơn Cũ hơn