TGP GP Vinh thông báo tin buồn đầu năm: Hai nữ tu Hội dòng Mến Thánh giá Vinh
Hai nữ tu Anna Trần Thị Tịnh và Anna Mađalêna Vũ Thị Sửu đã an nghỉ trong Chúa trong ngày đầu tiên của năm mới 2025 tại cộng đoàn Xã Đoài thuộc Hội dòng Mến Thánh giá Vinh.
Nữ tu Anna Trần Thị Tịnh sinh năm 1940 tại giáo xứ Bột Đà, giáo phận Vinh, khấn lần đầu ngày 21/11/1965, khấn trọn đời ngày 21/11/1975, từ trần lúc 8:00 ngày 01/01/2025.
Nữ tu Anna Mađalêna Vũ Thị Sửu sinh năm 1941 tại giáo xứ Hội Nguyên, giáo phận Vinh, khấn lần đầu ngày 21/11/1965, khấn trọn đời ngày 21/11/1975, từ trần lúc 13:15 ngày 01/01/2025.
Thánh lễ an táng hai chị lúc 14:00 ngày 02/01/2025 tại nhà nguyện Hội dòng Mến Thánh giá Vinh, xã Diên Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Xin mọi người cầu nguyện cho hai nữ tu sớm được hưởng nhan thánh Chúa muôn đời. R.I.P.
---------------
---------------
Lược Sử
DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
-------------
Có thể ví Dòng Mến Thánh Giá như là “hạt giống tình yêu của Thiên Chúa” và được Ngài gieo vào tâm hồn cậu bé Pierre Lambert de la Motte khi vừa mới tròn 9 tuổi. “Hạt giống ấy” luôn được Pierre Lambert nuôi dưỡng trong “tâm điền” suốt 33 năm dài và đã thực sự trổ sinh bông hạt khi gặp được “những mảnh đất tâm hồn đạo đức, thánh thiện” của một số phụ nữ tại vùng truyền giáo Viễn Đông. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng do lòng nhân hậu của Thiên Chúa Quan Phòng đã muốn tuyển chọn một số người, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn bằng con đường Yêu Mến Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.
I. Quá trình hình thành Dòng Mến Thánh Giá
1. Tiền thân Dòng Mến Thánh Giá
Vào năm 1640, khi chúa Trịnh Tráng ra sắc chỉ cấm đạo, có ba cô trinh nữ xứ Đông là Monica, Nympha và Vitta đã tự nguyện lên kinh thành để tuyên xưng đức tin và được chết vì Chúa. Tuy nhiên, khi vừa đến nơi thì sắc chỉ đã rút lại, ba cô trinh nữ quyết định họp nhau, sống chung một nhà; sau đó, có thêm khoảng năm hay sáu cô khác đến xin gia nhập, làm thành một cộng đoàn trinh nữ sống “đời sống các Thiên Thần”.
2. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài
Trong thời gian kinh lý tại Đàng Ngoài từ ngày 30/08/1669 đến ngày 14/03/1670, Đức Cha Lambert đã tuyển chọn hai chị là Anê và Paula trong số các phụ nữ thánh thiện do cha Deydier hướng dẫn đời sống thiêng liêng, và nhận lời khấn của hai chị vào Thứ Tư lễ Tro, ngày 19/02/1670. Đây chính là ngày Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh.
3. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong
Đức Cha Lambert chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong tại An Chỉ vào tháng 12/1671. Tuy nhiên, phải đợi đến chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ hai, năm 1675, Đức Cha mới chính thức nhận lời khấn của bốn chị tại Bàu Tây (13/12/1675) và một chị tại An Chỉ (18/12/1675).
4. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan
Vào tháng 04/1672, sau khi từ Đàng Trong trở lại Juthia, Đức Cha Lambert gặp được một số phụ nữ (gốc Đàng Trong) sẵn sàng dâng mình cho Thiên Chúa, và ngài đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan. Ngài cũng trao cho các chị Bản Luật Dòng Mến Thánh Giá như ở Đàng Ngoài và Đàng Trong Việt Nam.
II. Dòng Mến Thánh Giá trong cơn bách hại (Thế kỷ XVIII – XIX)
Hơn hai thế kỷ đầu, cùng với Giáo Hội Việt Nam, Dòng Mến Thánh Giá đã phải trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc và kinh qua nhiều biến thiên của thời đại.
1.Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài
Tây Đàng Ngoài
Năm 1720, có khoảng 25 nhà Mến Thánh Giá ở Tây Đàng Ngoài. Từ năm 1807 trở đi, con số nữ tu gia tăng liên tục với khoảng 500 người, phân bố trong 24 hoặc 25 nhà. Năm 1825, tăng lên 35 nhà với khoảng 700 nữ tu. Khi gặp thời bách hại, các cộng đoàn bị triệt phá, nên năm 1833, chỉ còn lại 30 nhà với khoảng 400 nữ tu. Đến năm 1902, có 16 cộng đoàn và 334 nữ tu.
Đông Đàng Ngoài
Năm 1777, có năm Tu viện Mến Thánh Giá với 84 nữ tu. Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, chỉ còn ba Tu viện (Kiên Lao, Trung Linh, Bùi Chu), còn ba nhà khác là Bác Trạch, Hạ Linh, Kẻ He đã bị ép buộc chuyển sang Dòng Ba Đa Minh.
2. Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong
Năm 1711, Đàng Trong có 20 Nhà Phước Mến Thánh Giá. Từ năm 1750, tình hình cấm đạo trở nên gay gắt hơn, các nữ tu bị giải tán về nhà cha mẹ. Thời gian sau, nhờ lòng nhiệt thành của Đức Cha Labartette, Dòng Mến Thánh Giá hồi sinh và phát triển khá nhanh. Đến năm 1793, có sáu nhà với 200 nữ tu. Ngày 13/11/1842, còn bảy nhà, các nhà khác bị phá hủy, nhưng có nhiều nữ tu sống ở nhà riêng.
3. Nữ tu Mến Thánh Giá trong cơn bách hại
Trong thời kỳ bắt đạo, các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đàng Ngoài được các Đấng Bản Quyền đánh giá là “phần tốt nhất của đoàn chiên”, và các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đàng Trong được nhìn nhận là “một trong những trang sức xinh đẹp nhất của Đạo Công Giáo”. Dẫu bị bách hại và truy bức, các chị vẫn hăng say tiếp nối những công việc mà Đấng Sáng Lập đã vạch ra và can đảm trở thành liên lạc viên che giấu, đưa tin, tiếp tế của ăn vật chất cũng như của ăn thiêng liêng cho các nhà thừa sai và các tù nhân đức tin.
III. Dòng Mến Thánh Giá trong thời kỳ Cải tổ và canh tân
Đức Cha Pierre Lambert đã viết thư ngày 12/10/1670, xin Đức Giáo hoàng Clemente IX và Thánh Bộ Truyền giáo để được chuẩn nhận Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Đức Cha François Pallu cũng can thiệp vào việc này qua bức thư ngài viết từ Surate ngày 11/11/1671, nhưng mãi đến ngày 28/08/1678, Thánh Bộ Truyền giáo mới trả lời về việc xin Ân xá, và ngày 02/01/1679, Đức Giáo Hoàng Innocent XI, qua đoản sắc Cum Sicut mới công nhận Dòng bằng việc ban những Ân xá.
Trong 30 năm đầu, đời sống chị em dựa trên cơ sở pháp lý đơn giản của chính Đấng Sáng Lập là Luật Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, được trao cho hai chị khấn đầu tiên ngày 19/02/1670, cùng với Bức Luân Thư và Bức Tâm Thư. Sau đó, tu luật của chị em chịu ảnh hưởng bởi các Đấng Bản Quyền và các công nghị địa phương.
1. Tại Đàng Ngoài
Vào thế kỷ XVIII, bởi hoàn cảnh xã hội bấp bênh và đạo Công Giáo bị bách hại, nên các Đấng Bản Quyền thường chỉ cho phép các chị lớn tuổi mới được khấn, nhưng chỉ là lời khấn đơn và khấn lại từng năm; chị em nào không được khấn thì làm lời dốc lòng.
Năm 1900, công nghị Kẻ Sặt quy định 14 điều cho Dòng Mến Thánh Giá.
Năm 1912, công nghị Kẻ Sở quy định 17 điều luật cho Dòng Mến Thánh Giá, trong đó, ấn định tu phục cho các chị là một bộ áo dòng dành riêng với một khăn lúp rộng. Các chị mặc tu phục khi vào nhà thờ và các dịp lễ.
Năm 1924, Đức Cha Cooman Hành cho xuất bản quyển Luật Phép Nhà Dòng Nữ Khấn Đơn và Sách Luật Phép Nhà Dòng Mến Câu Rút. Đây là bản luật chính thức thời cải tổ theo tinh thần của Bộ Giáo Luật 1917.
Năm 1934, công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội, dành bảy điều (từ 104-110) cho Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh.
2. Tại Đàng Trong
Từ năm 1864-1873, cha Charles Gernot Quý cải tổ bốn Nhà Dòng Mến Thánh Giá tại Tây Đàng Trong. Đây là cuộc cải tổ lớn thứ hai nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh vì chỉ có lời khấn tạm.
Ngày 08/12/1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua tự sắc Conditae a Christo nhìn nhận những người khấn đơn, dù là khấn tạm hay vĩnh khấn, đủ để trở thành nữ tu theo Giáo Luật. Nhưng phải đợi đến Bộ Giáo Luật năm 1917 điều 673, những người khấn đơn trong các Dòng thuộc quyền Địa Phận mới được nhìn nhận là tu sĩ thực thụ.
3. Canh tân theo đường hướng Công Đồng Vatican II
Sau Công đồng Vatican II, với sắc lệnh Perfectae Caritatis, các Dòng tu lần lượt canh tân theo chỉ thị của công đồng.
Ngày 25/08/1985, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình lập “Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá” và đặt cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM., làm cố vấn cho Nhóm.
Ngày 27/02/1990, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn Hiến Chương chung cho bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ tại Giáo phận của ngài để thử nghiệm trong bốn năm.
Ngày 02/02/2000, Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn phê chuẩn Hiến Chương chính thức cho bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Giáo phận Sài Gòn.
Kết luận
Trải qua hơn 350 năm đầy biến động, Dòng Mến Thánh Giá đã phải kinh qua nhiều cuộc cắt tỉa đau đớn. Thế nhưng, nhờ những cuộc cắt tỉa ấy mà Dòng đã phát sinh những mầm sống mới và trở nên một trong ba nhân tố chính của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam từ thời kỳ khai sinh: Hàng Giáo Sĩ, Hội Thầy Giảng và Dòng Nữ Mến Thánh Giá. Cho đến hôm nay, nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá đã được hình thành, lớn lên và phát triển ngày một lớn mạnh, trải dài từ Bắc chí Nam, vươn xa đến tận hải ngoại. Như vậy, từ những hạt mầm khiêm tốn, Dòng Mến Thánh Giá đã trở thành cây đại thụ với cành lá sum suê, trổ sinh gấp ngàn vạn lần nhờ ánh sáng Tin Mừng và dòng Máu Nước Cứu Độ từ Thập Giá Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.
ĐẠI GIA ĐÌNH MẾN THÁNH GIÁ
Giáo Tỉnh Hà Nội
1. Mến Thánh Giá Phát Diệm (1902)
2. Mến Thánh Giá Thanh Hóa (1902)
3. Mến Thánh Giá Vinh (1924) Nhà Mụ Nghệ-Tĩnh-Bình (1683)
4. Mến Thánh Giá Hà Nội (1938) Bái Vàng (1670)
5. Mến Thánh Giá Hưng Hóa (1943)
6. Mến Thánh Giá Bùi Chu (1953) Kiên Lao (1670)
Giáo Tỉnh Huế
7. Mến Thánh Giá Huế (1719)
8. Mến Thánh Giá Quy Nhơn (1929) An Chỉ (1671)
9. Mến Thánh Giá Nha Trang (1955) MTG Vinh (1954)
Giáo Tỉnh Sài Gòn
10. Mến Thánh Giá Cái Nhum (1800)
11. Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840)
12. Mến Thánh Giá Cái Mơn (1844)
13. Mến Thánh Giá Chợ Quán (1852)
14. Mến Thánh Giá Đà Lạt (1932) Thanh Hóa (1902)
15. Mến Thánh Giá Khiết Tâm (1938)
16. Mến Thánh Giá Tân Việt (1943)
17. Mến Thánh Giá Xuân Lộc (1954)
18. Mến Thánh Giá Cần Thơ (1957)
19. Mến Thánh Giá Thủ Đức (1959)
20. Mến Thánh Giá Tân Lập (1960)
21. Mến Thánh Giá Tân An (1965)
22. Mến Thánh Giá Phan Thiết (1983)
23. Mến Thánh Giá Gò Vấp (1995) Phát Diệm (1902)
24. Mến Thánh Giá Bà Rịa (2008)
Các Hội Dòng ở Hải Ngoại
25. Mến Thánh Giá Chanthaburi (1803) Thái Lan
26. Mến Thánh Giá Ubon Ratchathani (1889) Thái Lan
27. Mến Thánh Giá Xieng Wang (1919) Lào
28. Mến Thánh Giá Tharae (1924) Thái Lan
29. Mến Thánh Giá Los Angeles (1975) Hoa Kỳ
30. Mến Thánh Giá Kampong Cham (2004) Camphuchia
-------------
Tags:
duc-tin