1 Phật tử tới Nhà thờ Tắc Sẩy "thách đố" Cha Diệp - 2 phép lạ xảy ra

 

Tôi là một Phật tử đã định cư tại Mỹ từ năm 1982. Năm 2007, khi có dịp về thăm Việt Nam, chúng tôi ghé thăm gia đình thầy Dương Đình Trọng, nguyên giáo sư trường Nguyễn Hoàng.

Thầy vừa là đồng nghiệp, đồng môn, vừa là anh em cô cậu ruột với gia đình tôi. Sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, thầy đã di cư vào Nam và ở vùng Tắc Sậy.

Trên chuyến xe đò từ Sài Gòn về Sóc Trăng, Bạc Liêu, tôi thấy trên xe nào hành khách cũng để một bức tượng nhỏ của một vị linh mục trước tay lái. Hỏi ra tôi mới biết được khái quát lịch sử của vị linh mục này là cha Trương Bửu Diệp.

Cha đã từ trần từ năm 1945 nhưng liên tục từ thời đó cho đến hiện tại, cha đã hiển linh giúp người, giúp đời, giúp đạo. Người dân miền Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bất luận tôn giáo nào, nhưng thành tâm nguyện cầu đều được cha ứng linh cứu giúp dưới muôn vàn tình huống và hình thái khác nhau.

Chúng tôi vừa nảy sinh lòng tò mò vừa muốn thử thời vận. Ngay sau khi từ giã thầy Trọng, cô Lăng và về lại Sài Gòn, chúng tôi đến nhà thờ Tắc Sậy viếng đền thờ của cha. Thời đó, kiến trúc còn rất sơ sài.

Chúng tôi, bởi khác tôn giáo, bán tín bán nghi nhưng cũng vào đền thờ thắp nhang cố vái. Cha tôi chắp tay cúi đầu khấn thành lời trước hương linh Cha rằng: "Kính cung lễ Cha, chúng con nếu sang năm Cha linh thiêng tạo cho chúng con một cơ hội về lại Việt Nam thì con mới tin."

Lạ thay, xa Việt Nam từ năm 1982, cứ khoảng năm hay mười năm chúng tôi mới về thăm Việt Nam một lần. Nhưng đến năm sau, năm 2008, tôi lại bất ngờ được một tổ chức Phật giáo quốc tế ABS chính thức mời về tham dự và giúp phụ trách thông dịch tài liệu Anh-Việt cho Đại lễ Vesak, Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nhớ rõ trong tâm lời nguyện năm trước ở Tắc Sậy với Cha Trương Bửu Diệp, nhưng vì công việc gấp bách quá nên tôi phải bay thẳng ra Hà Nội. Sau lễ Vesak, từ phi trường Nội Bài, tôi bay về Mỹ mà không thể ghé Tắc Sậy kính lễ Cha.

Dịp đó, từ Hà Nội, tôi hướng về Cha lâm râm cầu nguyện xin thứ lỗi mà lòng vẫn áy náy vô cùng. Liền năm sau, năm 2009, tôi lại gặp một trường hợp khá nan giải về đứa cháu. Đứa cháu thông minh, tốt nghiệp cử nhân ngành Thương mại, nhưng vì tính khí ngang bướng và cầu toàn nên không xin được việc làm nào cả.

Lại thêm tâm lý bị bức xúc nên bắt đầu có những biểu hiện chống lại gia đình và xã hội rất khó hiểu và trở nên ngày càng trầm trọng. Thời gian đi qua và kéo dài như vô vọng, chúng tôi lại nghĩ đến Cha Trương Bửu Diệp và liên lạc với nhà thờ Tắc Sậy nhờ cầu xin Cha giúp đỡ.

Đồng thời, ở nhà tại Mỹ, chúng tôi lập một bàn thờ nhỏ với ảnh Cha Diệp và lư hương bát nước. Chúng tôi cầu nguyện Cha giúp cho cháu. Gần hai năm, đứa cháu không xin được việc, nên đã nộp đơn vào nhiều trường ở nước Mỹ để xin học tiếp chương trình thạc sĩ thương mại MBA.

Khổ nổi, thằng nhỏ chỉ thích học ở các trường danh tiếng, nên gần hai năm trôi qua mà chẳng có trường nào nhận, khiến nó càng bị áp lực tâm lý nặng nề và trở thành một nỗi lo lắng, hoang mang cho cả gia đình.

Khoảng mấy tháng sau những đợt cầu nguyện thành tâm với Cha, thằng nhỏ quá vui mừng vì được trường Notam nhận. Notam là một trường tư Công giáo rất nổi tiếng ở Bắc Mỹ. Tôi tới thăm trường và thấy có nhà thờ và các tượng thánh với phong cảnh quá u nhã. Tôi chỉ biết khuyên thằng bé rằng hàng ngày, khi ngang qua các tượng thánh, nó phải cúi đầu đảnh lễ như tượng Phật.

Sau hai năm đèn sách, thằng bé tốt nghiệp thạc sĩ thương mại MBA. Lạ thay, ngay sau khi tốt nghiệp, nó được tuyển dụng ngay vào hệ thống ngân hàng Bank of America, mà tổng giám đốc (CEO) là một người theo đạo Công giáo. Khi tôi đang viết những dòng này, thằng bé đang là phó giám đốc ngân hàng.

Lạy Cha Trương Bửu Diệp, con không suy tôn lý luận, nhưng trong lòng con, một người Phật tử thuần thành hơn 70 năm, Cha đã là một vị thánh trong lòng con từ lâu.

Kính mừng, Trần Kim Đoàn, pháp danh Nguyên Thọ.

Kính thưa Cộng đoàn, hàng năm, vào các ngày 11-12 tháng 3 dương lịch, người lương giáo từ các nơi lại đổ về Tắc Sậy trên những chiếc xe đò chở khách. Người ta có thể thấy hình một vị linh mục mặc vuông chữ điền rất dễ mến. Họ xuống để dự lễ dỗ của Cha Francisco Sav Trương Bửu Diệp. Ông Phước, người trong coi phần mộ của Cha Diệp tại nhà thờ Tắc Sậy, kể lại câu chuyện sau đây vào một buổi trưa tháng 10 năm 2010:

Vào khoảng đầu thập niên 1980, bên cạnh khu nhà thờ này còn là một bãi đất trống, làm nơi ghe và xe cộ dừng lại đổ hàng. Nửa đêm, có một ông chủ ghe chở đầy vật liệu xây dựng như gạch, cát, xi măng, đậu bên bờ kênh.

Ông bỗng trông thấy một vị khách mặc áo dài đen theo kiểu nhà dòng từ trên bờ bước xuống. Vị khách tự xưng mình là cha xứ nhà thờ Tắc Sậy, muốn mua hết các vật liệu trên ghe để xây lại nhà thờ. Giá cả xong xuôi, chủ ghe đồng ý bán và hẹn hôm sau sẽ cho công nhân đem hàng lên, xong sẽ nhận tiền.

Sáng hôm sau, trước khi giao hàng, chủ ghe lên nhà thờ định gặp cha xứ để biết chỗ cho công nhân xếp hàng. Khi gặp linh mục Phó Nguyễn Ngọc Tỏ, ông rất ngạc nhiên vì giọng nói và gương mặt, thân hình của vị linh mục này trông không giống với vị khách có rê mép hôm trước chút nào.

Linh mục Phó nói: "Tôi hiểu, đó chính là linh hồn cha sở Francisco Trương Bửu Diệp đấy. Ý ngài muốn xây lại nhà thờ, nên hiện ra như vậy." Cha kể cho ông chủ thầu nghe các chuyện linh ứng của cha Bửu Diệp và nói: "Ý tôi cũng muốn xây lại ngôi nhà thờ cho đàng hoàng, nhưng họ đạo nghèo chưa đủ tiền. Thôi thì đành cáo lỗi với ông và hẹn khi khác."

Ông chủ thầu nói: "Cha Diệp đã linh ứng như vậy thì con không dám lấy tiền. Mặc dù con là người bên lương, nhưng con xin hiến tất cả các vật liệu trên ghe để nhà thờ xây sửa lại, không nhận một đồng nào cả." Ông chủ thầu lập tức cho người khuân gạch, xi măng từ dưới ghe lên và trả tiền công bốc xếp cho các công nhân mà không để nhà thờ phải trả.

Không ngờ từ đó, ông chủ ghe buôn bán ngày càng phát đạt. Ông cho rằng mình được cha Diệp phù hộ, nên mỗi lần đi qua Hộ Phòng, ông thường quay lại nhà thờ Tắc Sậy để tạ ơn cha.

Cũng theo ông Phước, những chuyện linh ứng của cha Diệp ngày một lan rộng. Từ đó về sau, khách thập phương kéo về nườm nượp để cầu xin cha ban ơn lành, nhất là các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Rất nhiều người đến và cầu xin cha chuyện này, chuyện khác, và ai cũng được toại nguyện.

Lời nguyện được đắc thành, họ đến đền ơn cha, người thì ghế đá, người thì vật dụng dùng cho nhà thờ, người thì tiền bạc, nhiều không sao kể xiết.

Cứ thế, vào những ngày cuối tuần hoặc trong dịp lễ dỗ cha, 12 tháng 3 dương lịch, khách thập phương, kể cả trong nước lẫn ngoài nước, về kính viếng cha đông như lễ hội. Có nhiều người đem theo cả những chai nước La Vi đến để bên cạnh mộ cầu nguyện trước khi mang về cho người trong gia đình.

Nhưng cũng có những người tin tưởng đến độ cầu nguyện trong nhà thờ, trước mộ của cha chưa đủ, họ còn tìm đến chiếc ao nhỏ của gia đình ông giáo sư ngày xưa để chiêm ngưỡng nơi cha đã bị sát hại.

Điều lạ lùng hơn nữa là theo lời của vị cha xứ, linh mục Phê-rô Nguyễn Thanh Bình, có tới 70 phần trăm khách thập phương xuống kính ngưỡng cha Diệp là người ngoại đạo hoặc Việt kiều từ nước ngoài về.

Có những người chưa về nhưng đã nghe nói tới sự linh ứng của cha nên đã gửi tiền về giúp nhà thờ xây dựng được một ngôi nhà thờ lớn như ngày nay. Khả dĩ có thể đón tiếp bất kỳ nhóm hành hương nào, dù đông bao nhiêu, họ đều có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng mà không cần phải đóng góp gì cả.

Tại nhà thờ Tắc Sậy, nơi an nghỉ đầu tiên của cha từ năm 1946 đến năm 1969, sau đó hài cốt cha được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi đây cách nhà thờ khoảng 7 km về hướng Cà Mau. Trong một điềm báo của cha, vị cha xứ thấy lương dân rất nhiều người hiện nay đang đau khổ vì bệnh tật, nên cha cho biết nơi chung cất cha phía trên đào xuống khoảng hai gan tay sẽ có nước trong sạch, và ai đến với lòng tin tưởng, nguyện xin Thiên Chúa, bệnh tật sẽ giảm và khỏi hẳn.

Điều lạ lùng là phần mộ trong phòng thánh nhà thờ cao hơn mặt đất, mà chỉ có hai gan tay mà có nước. Mỗi ngày khách hành hương đến, múc hoài mà không thấy cạn. Phải chăng đây là dấu chỉ nhằm củng cố lòng tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, nhờ nguồn nước thánh nơi đây mà bao người được Ân Lành từ Chúa, nhờ lời chuyển cầu của cha.

Hiện nay, tuy Giáo hội Công giáo chưa tuyên thánh cho cha Trương Bửu Diệp, nhưng trong lòng nhiều tín hữu Công giáo, kể cả một số người thuộc các tôn giáo khác, đã coi cha như một vị thánh, vì rất nhiều người khấn xin với ngài và được ơn.


-----------


Cha Phanxicô Xaviê TRƯƠNG BỬU DIỆP (1897 – 1946)

[Một mẫu gương mục tử: Sống chết vì đoàn chiên]

Ai đã từng đến du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không thể bỏ qua một điểm hành hương nổi tiếng: Tắc Sậy. Từ những năm của thập niên 1980 trở đi, hằng năm cứ vào ngày 11–12/3 dòng người lương giáo từ các nơi tuôn về Tắc Sậy, trên nhiều chiếc xe đò chở khách người ta còn có thể thấy hình một vi linh mục mặt vuông chữ điền rất dễ mến. Họ đến Tắc Sậy để làm gì vậy? Thưa để kỷ niệm lễ giỗ của một vị linh mục có tên là Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Đôi dòng tiểu sử

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyển thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới An Giang. Mãn Tiểu chủng viện, ngài lên Ðại chủng viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Ðức cha GB. Chabalier. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.

Sống chết vì đoàn chiên

Tháng 3 năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Theo lời kể của ông Giacôbê Huỳnh Văn Lập 76t, ngày xưa là chú bé giúp lễ ở với cha (ông Ba Lập hiện vẫn còn sống ở tại Tắc Sậy) thì cha Diệp rất hiền nhưng khi giảng thì có lúc giọng cha rất hùng hồn mạnh mẽ, có lúc lại rất êm đềm. Cha cũng rất thương người nghèo: ông còn nhớ khi có những người nghèo đói bất kể lương giáo hay người lỡ đường cha đều kêu vào rồi mở lẫm lúa cho họ lấy lúa đem ra xay giã lấy gạo (vì lúc đó không có nhà máy xay lúa như bây giờ).

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương vì chiến tranh giữa Nhật và Pháp, dân chúng nhiều người di tản. Cha Bề trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi ngài lánh mặt; người Pháp 3 lần đem xe đến rước, khuyên ngài tạm lánh khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12-3-1946, ngài bị Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm luá của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha khuyên giáo dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi cha bị mời đi lần thứ ba bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát.

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác ngài từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chuá Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Chứng nhân Đức Ái

Lễ giỗ đầu đầu tiên do cha Antôn Vũ Xuân Vinh tổ chức năm 1979 với thành phần tham dự đến từ những họ đạo chung quanh (chỉ khoảng chừng 30 người). Nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đổn thổi về sự hiển linh của ngài nên rất đông đảo người lương cũng như giáo trong nước và cả ngoài nước đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài.

Số khách hành hương trong ngày lễ giỗ ngày càng tăng, con số lên đến hàng chục ngàn người và không chỉ trong ngày lễ giỗ mà còn thường xuyên trong năm vẫn có những người đến hành hương. Vì thế kể từ 21-01-1997 Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy. Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.

Nếu ngày xưa ngài đã vì thương đoàn chiên mà sẵn sàng sống chết vì họ thì ngày nay ngài lại trở thành chứng nhân của Đức Ái qua biết bao nhiêu ơn lạ nhờ lời bầu cử của ngài cho tất cả những ai chạy đến với ngài.
***

Mới hơn Cũ hơn