Mộ Chúa Giêsu – Lời giải cho bí ẩn lớn của nhân loại


Ngày 22 tháng 3 năm 2017, một sự kiện trọng đại đã diễn ra với các tín đồ Kitô giáo trên toàn thế giới. Đó là ngày mộ Chúa Giêsu, nằm bên trong Nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulchre), chính thức mở cửa đón khách tham quan sau 9 tháng trùng tu. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, nơi được coi là chốn an nghỉ cuối cùng của Chúa Giêsu được công bố rộng rãi, xóa tan nhiều giả thuyết về vị trí thực sự của ngôi mộ.

Kể từ đó, Nhà thờ Mộ Chúa Giêsu đã trở thành một điểm hành hương thiêng liêng, thu hút hàng triệu du khách và tín hữu từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm, tiếp tục là biểu tượng của đức tin, hy vọng và sự sống lại trong lòng Kitô giáo.

Cho đến nay, câu hỏi "Mộ Chúa Giêsu nằm ở đâu?" vẫn luôn là một chủ đề thu hút sự quan tâm của không chỉ các tín hữu mà còn của giới nghiên cứu lịch sử. Dựa theo Kinh Thánh, mộ Chúa Giêsu được cho là nằm ở Jerusalem, nhưng đâu là những bằng chứng và cơ sở xác thực cho điều này? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các dấu tích lịch sử và khoa học để xác định vị trí ngôi mộ thiêng liêng này.

Mời bấm vào để xem Video:

------

Nguồn gốc mộ Chúa Giêsu theo Kinh Thánh

Để hiểu rõ hơn về mộ Chúa Giêsu tại Jerusalem, chúng ta cần quay ngược dòng thời gian về thời điểm Chúa chịu nạn. Theo Kinh Thánh, sau khi bị quân La Mã hành hình vào khoảng năm 30 hoặc 33 sau Công Nguyên, thi hài của Chúa Giêsu được đặt trong một bệ đá, bên trong một hang động đá vôi. Ba ngày sau, khi người dân trong làng đến để hoàn thành nghi lễ mai táng, họ phát hiện rằng ngôi mộ đã trống rỗng.

Hành trình tìm kiếm mộ Chúa Giêsu

Vào năm 325, Hoàng đế La Mã Constantine đã quyết định tìm kiếm nơi chôn cất Đấng Cứu Thế. Ông cử đại diện đến Jerusalem để điều tra. Khi đến nơi, đoàn tùy tùng được dẫn đến một đền thờ La Mã, được xây dựng hơn 200 năm trước, nhưng lúc này chỉ còn lại đống đổ nát. Không nản lòng, họ tiếp tục đào bới và phát hiện ra một ngôi mộ bên dưới đền thờ. Tin rằng đây chính là mộ của Chúa Giêsu, Hoàng đế Constantine đã ra lệnh xây dựng một kiến trúc bao quanh ngôi mộ, được gọi là Edicule, hoàn thành vào khoảng năm 1555 sau Công Nguyên.

Theo một số tài liệu, các tín hữu Kitô giáo đầu tiên tại Jerusalem đã tôn kính nơi này từ thời kỳ đầu. Họ được cho là đã cử hành nghi thức thờ phượng tại ngôi mộ từ trước thời kỳ Phục Sinh cho đến khi thành phố bị quân La Mã xâm lược vào năm 66 sau Công Nguyên. Khi đó, Hoàng đế Hadrian đã san lấp khu vực này và cho xây một đền thờ ngoại giáo lên trên. Đến năm 326, nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại đây theo lệnh của Hoàng đế Constantine.

Thánh Helena và Thánh giá thật

Trong cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ, Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, được cho là đã phát hiện ra Thánh Giá Thật gần ngôi mộ của Chúa Giêsu, càng củng cố thêm sự thiêng liêng của nơi này.

Lịch sử biến động của Nhà thờ Mộ Thánh

Nhà thờ Mộ Thánh, nơi được coi là ngôi mộ của Chúa Giêsu, đã trải qua nhiều biến cố trong lịch sử:

  • Năm 614: Công trình bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn khi người Ba Tư xâm chiếm Jerusalem và chiếm lấy Thánh Giá. Sau đó, nhà thờ được phục hồi nhưng lại tiếp tục chịu tổn thất trong các cuộc xung đột.
  • Đầu thế kỷ 11: Nhà thờ bị phá hủy trong thời kỳ trị vì của người Hồi giáo.
  • Năm 1099: Đoàn quân Thập Tự Chinh chiếm lại Jerusalem từ tay người Hồi giáo và tiến hành tái thiết nhà thờ.

Những lần phục hồi và trùng tu

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, Nhà thờ Mộ Thánh trải qua các giai đoạn bị tàn phá, xâm phạm, và bỏ bê. Nhà nguyện trên ngôi mộ, được cho là nơi Chúa Giêsu được chôn cất và sống lại, đã phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ nhiều lần.

  • Năm 1810: Nhà nguyện được xây dựng lại sau khi bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn hai năm trước đó.
  • Năm 1947: Các dầm sắt hiện nay được đưa vào để chống đỡ công trình dưới thời chính quyền Anh cai trị Palestine.

Trùng tu hầm mộ Chúa Giêsu

Do tác động của các yếu tố tự nhiên như nước mưa và độ ẩm, ngôi mộ thiêng liêng này đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến tháng 10 năm 2016, hầm mộ Chúa Giêsu được mở lần đầu tiên sau hơn 4 thế kỷ để phục vụ công cuộc trùng tu quy mô lớn.

Khu vực Edicule trong Nhà thờ Mộ Thánh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt trong quá trình nghiên cứu và trùng tu. Vào tháng 10 năm 2016, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, Hy Lạp, đã phát hiện một phiến đá cẩm thạch có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên. Điều này giúp xác định niên đại của khu vực, trùng khớp với giai đoạn xây dựng đầu tiên của Nhà thờ Mộ Thánh dưới thời Hoàng đế Constantine vào năm 326.

Ông Fredrik Hiebert, một nhà khảo cổ học của thành phố Jerusalem, chia sẻ: "Chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn rằng vị trí của Nhà thờ Mộ Thánh chính là nơi mai táng Chúa Giêsu. Tuy nhiên, hiện chưa có địa điểm nào khác có sức thuyết phục hơn nơi này."

Ngày 28 tháng 10 năm 2016, ngôi mộ được cho là của Chúa Giêsu đã chính thức được mở ra với sự phối hợp của các giáo đoàn. Đây cũng là cơ hội để trả lời câu hỏi lớn nhất trong lịch sử Kitô giáo: "Đây có phải là nơi Chúa Giêsu được mai táng hay không?"

Khi lớp đá cẩm thạch được mở, các nhà nghiên cứu đã phát hiện các thềm đá vôi, được cho là nơi đặt thi hài của Chúa Giêsu. Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà khảo cổ học và thần học đã không ngừng tranh luận về tính xác thực của địa điểm này. Ngôi mộ đã được niêm phong cẩn thận từ những năm 1500 để ngăn chặn các hành vi trộm cắp hoặc phá hoại.

Theo tạp chí National Geographic, các nghiên cứu hiện đại bằng các kỹ thuật tiên tiến cho thấy khu vực mộ có niên đại vào khoảng những năm 345 sau Công Nguyên. Kết quả này phần nào củng cố niềm tin về tính xác thực của ngôi mộ, đồng thời mở ra một chương mới trong việc khám phá chuỗi lịch sử liên quan đến đức tin Kitô giáo.

Nhà thờ Mộ Thánh đã trải qua nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại do hỏa hoạn, động đất và chiến tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thể chắc chắn liệu ngôi mộ đã từng bị di chuyển hay chưa, và bên trong ngôi mộ hiện còn chứa điều gì. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện một phiến đá cẩm thạch thứ hai, được cho là tạc vào thế kỷ 12.

Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert chia sẻ: "Khoảnh khắc tuyệt vời nhất đối với chúng tôi là khi loại bỏ các lớp bụi bẩn và phát hiện ra phiến đá cẩm thạch thứ hai bên trong ngôi mộ Chúa Giêsu." Phiến đá này có màu xám, khác với màu trắng kem của lớp đá bên ngoài, và ở giữa phiến đá có khắc hình một cây thánh giá.

Dù nhà thờ Mộ Thánh đã bị tàn phá nhiều lần, việc phát hiện phiến đá cẩm thạch đặc biệt này là một bằng chứng rõ ràng cho thấy đây chính là ngôi mộ mà Hoàng đế La Mã Constantine đã tìm thấy vào thế kỷ thứ 4.

Theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã chết trên cây thánh giá và được chôn trong ngôi mộ này suốt ba ngày trước khi phục sinh. Dù bên trong mộ không chứa các đồ tạo tác hay hài cốt, các nhà khoa học vẫn tìm thấy các dấu tích và đống đổ nát, minh chứng quan trọng cho nguồn gốc của mộ Chúa. Đây là những bằng chứng vô giá, và có thể cần thêm nhiều năm nữa để các nhà khoa học đưa ra những kết luận chi tiết hơn.

Sau những phát hiện mang tính lịch sử, nhóm phục chế đã thiết kế các ô cửa nhỏ từ từng phiến đá hoa cương trong điện thờ, cho phép khách tham quan có thể nhìn vào bên trong. Ngày 22 tháng 3 năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên ngôi mộ được trưng bày và mở cửa cho công chúng đến thăm.

Theo tờ Daily Mail, tổng chi phí cho dự án phục chế là 4 triệu đô la Mỹ. Đáng chú ý, Vua Jordan và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã đóng góp tài trợ khoảng 160.000 đô la Mỹ cho dự án này.

Như vậy, thưa quý vị, chúng ta đã cùng nhau khám phá những góc lịch sử, những lát cắt thời gian và những chứng tích quan trọng, góp phần khẳng định Jerusalem có thể chính là nơi an nghỉ của Chúa Giêsu.

Mới hơn Cũ hơn