Headlines
Loading...
Hang đá Giáng sinh có thể sẽ cấm trưng bày

Hang đá Giáng sinh có thể sẽ cấm trưng bày


Trước khi Toà án Tối cao của Mexicô ra phán quyết về vụ kiện phản đối việc trang trí cảnh Giáng sinh tại các cơ sở công cộng, tổ chức Mặt trận Quốc gia vì Gia đình (FNF) lên án rằng việc cấm các cảnh Chúa giáng sinh ở những cơ sở công cộng là “một sự vô lý hết sức” và “một cuộc tấn công quanh co đối với tự do tôn giáo”.


Vào ngày 9/11/2022, Phân bộ phụ trách về các vụ án dân sự của Tòa án Công lý Tối cao của Quốc gia của Mexicô (SCJN) sẽ nghiên cứu một vụ kiện bảo vệ hiến pháp với nội dung phản đối việc đặt “các đồ vật trang trí ám chỉ đến ‘sự ra đời của Chúa Giêsu’ vào tháng 12 và tháng 1 tại các cơ sở công cộng.”

Vụ kiện chống lại Hội đồng thành phố Chocholá ở bang Yucatán của Mexico. Tuy nhiên, nếu vụ kiện được Tòa án Tối cao ủng hộ, nó sẽ mở đường cho lệnh cấm này được áp dụng trên toàn quốc.

“Tự do tôn giáo đang bị tấn công ở Mexico”

Chia sẻ với hãng tin ACI Prensa, Rodrigo Iván Cortés, chủ tịch của tổ chức Mặt trận Quốc gia vì Gia đình, cảnh báo rằng “tự do tôn giáo đang bị tấn công ở Mexico”.

Dự thảo phán quyết do Thẩm phán Juan Luis González Alcántara Carrancá chuẩn bị, sẽ được thảo luận và biểu quyết; phán quyết tìm cách khiến hội đồng thành phố “trong tương lai, ngừng việc đặt các biểu tượng ám chỉ đến một niềm tin tôn giáo, cụ thể tại các cơ sở công của Thành phố Chocholá.”

Thời tôn giáo bị bách hại tại Mexico

Nếu Tòa án Tối cao thông qua phán quyết này, thì kết quả của nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các cảnh Giáng sinh mà còn cả việc đặt bất kỳ hình ảnh tôn giáo nào trên tài sản công.

Nếu phán quyết của thẩm phán González đề xuất được thông qua, Mexico sẽ trở lại thời điểm trước Chiến tranh Cristero, sau khi Luật Calles có hiệu lực vào năm 1926. Hiến pháp năm 1917 của Mexico đã bãi bỏ tư cách pháp nhân của Giáo hội, hạn chế việc thờ phượng công khai và giới hạn số lượng linh mục, cùng với các biện pháp khác.

Khi Plutarco Elías Calles trở thành tổng thống, ông đã ban hành Luật vào năm 1926, được gọi là Luật Calles, kích hoạt các điều khoản hiến pháp chống lại Giáo hội, thậm chí cấm tu phục giáo sĩ, cấm các dòng tu và việc giảng dạy tôn giáo trong trường học.

Chiến tranh Cristero là một cuộc nổi dậy có vũ trang của những người dân thường Mexicô chống lại chính phủ nhằm khôi phục tự do tôn giáo.

Để gửi một thông điệp rõ ràng đến Tòa án Tối cao, ông Cortés khuyến khích mọi người sớm dựng cảnh Chúa giáng sinh, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội. Ông nhấn mạnh rằng nỗ lực cấm các cảnh Giáng sinh trên cơ sở công cộng là “một sự phi lý to lớn, một sự mâu thuẫn và một cuộc tấn công quanh co đối với tự do tôn giáo”.

----
Theo Vatican News


-------------------------------------
Đọc thêm:

Cuộc đàn áp tôn giáo làm tổn hại đức tin Công giáo tại Mexico

Các tình tiết bạo lực gần đây chống lại Giáo hội Công giáo, bao gồm vụ sát hại một Linh mục và âm mưu sát hại một Tổng Giám mục, một lần nữa làm nổi bật cuộc đàn áp đức tin ở Mexico và thế lực của bọn tội phạm có tổ chức.

Vào ngày 22 tháng 5, Linh mục Dòng Augustinô Javier García Villafañe được tìm thấy bị bắn chết trong ô tô của ngài trên đường cao tốc Cuitzeo-Huandacareo. Văn phòng tổng chưởng lý bang Michoacán tuyên bố rằng Cha Villafañe “đã bị sát hại bởi nhiều phát súng”.

Vài ngày trước, một kẻ tấn công 80 tuổi đã cố ý mưu sát Đức Tổng Giám mục Địa phận Durango, Đức Cha Faustino Armendáriz, trong phòng thánh của nhà thờ sau khi Thánh lễ kết thúc. May mắn thay, vị Giám chức hầu như không bị thương trong nỗ lực thất bại.

Ngoài ra, trong những tuần lễ gần đây đã có nhiều trường hợp mạo phạm và báng bổ ở các nhà thờ khác nhau trong nước.

Mexico có còn là một quốc gia Công giáo?

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 5 với đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNAACI Prensa, bà Marcela Szymanski thuộc Tổ chức Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) đã chỉ ra rằng cách đây chưa đầy 100 năm, Mexico đã phải chịu cuộc đàn áp tôn giáo dữ dội đối với người Công giáo dưới bàn tay của chính phủ Mexico.

“Có những cái chết và tình trạng bạo lực trong nhiều năm”, bà Szymanski, người có bằng tiến sĩ về chính trị quốc tế và là tổng biên tập của Báo cáo về Tự do Tôn giáo, cho biết.

Giai đoạn đàn áp tôn giáo mà Giáo hội Công giáo ở Mexico phải chịu vào đầu thế kỷ 20 được gọi là “Cristiada”. Năm 1926, các cuộc tấn công chống lại đức tin đã gây ra Chiến tranh Cristero, cuộc đối đầu vũ trang giữa các tín hữu Công giáo và Quân đội Mexico vốn kết thúc vào năm 1929, mặc dù nhiều thường dân và người Cristeros đã thiệt mạng trong các cuộc trả đũa của chính phủ sau khi cuộc xung đột chính thức kết thúc.

 “Cristiada”, bà Szymanski lưu ý, “vẫn chưa được dạy trong trường học, trong sách giáo khoa miễn phí. Không có gì được đề cập về cuộc đàn áp tôn giáo này”.

“Mọi người tiếp tục nghĩ và tiếp tục cảm thấy rằng Mexico là một quốc gia Công giáo”, bà Szymanski tiếp tục, nhưng bà đặt câu hỏi: “Quan niệm này đến từ đâu? Quan niệm này không chỉ bắt nguồn từ việc họ không biết rằng có cuộc đàn áp mà còn từ thực tế là trong suốt 40 năm qua, Mexico vẫn là một quốc gia Công giáo bất chấp những lệnh cấm thực hành hoặc sinh hoạt tôn giáo của họ ở nơi công cộng cũng như nơi riêng tư”.

Bà Szymanski than phiền rằng trong “khoảng 30 năm qua, các cuộc hôn nhân ở Mexico đã tan vỡ”, trong khi các gia đình không còn duy trì nền nếp Công giáo vững chắc và đã bỏ tham dự Thánh lễ Chúa nhật.

Theo Viện Thống kê Quốc gia (INEGI) trong năm 2011 ở Mexico, cứ 100 cuộc hôn nhân thì có 16 vụ ly hôn. Đến năm 2019, con số đó đã tăng gấp đôi với 32 vụ ly hôn trên 100 cuộc hôn nhân.

Vào năm 2021, cứ 100 cuộc hôn nhân ở Mexico thì có 33 vụ ly hôn.

“Mexico đã bị cuốn theo xu hướng bài Kitô giáo đến từ phương Tây. Các vụ tấn công phá hoại nhắm vào các nhà thờ, các tòa nhà, các vụ tấn công nhắm vào tôn giáo, luôn chống lại người Công giáo, chứ không phải 22 đền thờ Hồi giáo tồn tại trong nước”, bà Szymanski chỉ ra.

 “Mexico đã đánh mất lòng mộ đạo gia đình truyền thống trong nhiều thập kỷ”, bà Szymanski cho biết thêm.

Trong năm 2000, theo INEGI, người Công giáo chiếm 89,7% dân số. 20 năm sau, tỷ lệ này giảm xuống còn 77,7%, trong khi số tín hữu Tin lành và những người “không theo tôn giáo” lại gia tăng.

Đối với bà Szymanski, ở Mexico, “chúng ta có sự pha trộn đáng kể giữa sự thiếu hiểu biết với sự thiếu gắn kết xã hội khiến việc tấn công các thể chế, Giáo hội Công giáo và mọi thứ mà Giáo hội đại diện có vẻ là điều tự nhiên hoặc bình thường”.

“Khái niệm rằng đó là một tội phạm thực sự đã biến mất”, bà Szymanski nói. Tuy nhiên, những hành vi như vậy bị cấm theo luật Mexico.

Tình trạng buôn bán ma túy và các Linh mục bị sát hại

Cha Omar Sotelo, Giám đốc Trung tâm Đa phương tiện Công giáo (CCM), cũng được ACI Prensa phỏng vấn vào ngày 25 tháng 5, lưu ý rằng “trong hơn 10 năm, Mexico là quốc gia nguy hiểm nhất đối với việc thi hành chức tư tế ở toàn bộ Châu Mỹ Latinh, và nó là một trong những địa điểm hàng đầu trên toàn thế giới”.

Theo báo cáo của CCM, từ năm 1990 đến năm 2022, 63 Linh mục đã bị sát hại ở Mexico, trong đó có Đức Tổng Giám mục Địa phận Guadalajara, Đức Hồng y Juan Jesús Posadas Ocampo. Chỉ trong 4 năm qua, dưới chính quyền hiện tại của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, 9 Linh mục đã bị giết hại.

Theo báo cáo “Các nhà truyền giáo bị sát hại vào năm 2022” của tổ chức Fides của Vatican, Mexico đã ghi nhận 3 vụ sát hại các Linh mục vào năm ngoái. Chỉ có Nigeria ghi nhận con số cao hơn: 4 Linh mục đã bị giết hại ở đó.

“Về lý thuyết”, Cha Sotelo nói, “đó không phải là một quốc gia có vấn đề về chiến tranh hay những thứ tương tự. Tuy nhiên, đó là một trong những quốc gia hàng đầu mà việc thực hành chức tư tế là điều nguy hiểm”.

“Ở Mexico, chúng tôi đã đếm được ít nhất 25 hoặc 26 nhà thờ đã bị xúc phạm, tấn công, phá hoại, cướp bóc, xâm phạm trong một tuần lễ”, Cha Sotelo giải thích.

 Đối với Cha Sotelo, “đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng tội phạm có tổ chức đã thực sự lấn át chính quyền”.

Cha Sotelo cũng lưu ý rằng có những nơi trong nước “không có cảnh sát” vì những kẻ buôn bán ma túy là những kẻ cai quản những khu vực đó.

“Buôn bán ma túy thực tế đã chiếm vị trí chiến lược trên toàn lãnh thổ quốc gia và chúng đã đặt nhiều cơ quan chức năng vào tầm kiểm soát”, Cha Sotelo than phiền.

Trong hoàn cảnh khủng hoảng này, Cha Sotelo giải thích, một Linh mục phải “làm việc 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần” với tư cách là “người ổn định xã hội”, đưa ra “sự trợ giúp, che chở, bảo vệ cho tất cả mọi người và cho những người di cư” cũng như “các dịch vụ y tế”.

“Các Linh mục chiến đấu chống lại bọn tội phạm có tổ chức. Khi chúng loại bỏ một Linh mục, chúng gửi đi hai thông điệp hết sức mạnh mẽ: Một, nếu tôi có thể giết một Linh mục, tôi có thể giết bất cứ ai họ muốn. Thứ hai, bằng cách loại bỏ một Linh mục, họ không chỉ giết một người, mà họ đang tấn công toàn bộ cộng đồng này và sự ổn định này”, Cha Sotelo giải thích.

“Sau đó, một nền văn hóa ma túy, một nền chính trị ma túy, một nền kinh tế ma túy được tạo ra”, Cha Sotelo cảnh báo.

Cuộc đàn áp thường trực đối với Giáo hội

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Đức Cha Hércules Medina Garfias, Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận Morelia, người đã cử hành Thánh lễ an táng cho Linh mục Villafañe vừa bị sát hại, đã chỉ ra rằng Giáo hội Công giáo “ngay từ đầu đã bị đàn áp”.

“Hài Nhi Giêsu đã bị vua Hêrôđê bách hại, kẻ đã sát hại các Thánh Anh Hài và Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập”, Đức Cha Garfias nói.

Trong Kinh Thánh, Đức Cha Garfias chỉ ra, “có nhiều đoạn nói về hành vi ngược đãi cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Các Tông Đồ đã bị bách hại”.

Bị bác hại, Đức Cha Garfias nhấn mạnh, “là một dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta đang làm những điều đúng đắn và đó là một phần lịch sử của chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)