Chiêm ngắm cây thánh giá của Vua Bảo Đại

Căn phòng nhỏ của Linh mục Chánh xứ Tân Sa Châu Giuse Nguyễn Hữu Triết từ hơn 20 năm nay đã trở thành kho đồ cổ Công giáo nhiều nhất Việt Nam. Mỗi cổ vật có một câu chuyện khác nhau. Đặc biệt, trong kho này còn có cây thánh giá của Vua Bảo Đại.


Cổ vật Công giáo
 Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết sưu tầm không chỉ có tượng mà còn có nhiều loại khác: Thánh giá, sách, đèn, đồ dùng trong các nghi thức phụng vụ…
Cây thánh giá của vua Bảo Đại.

Cây thánh của cựu hoàng từ Pháp về Việt Nam

Cha vào phòng, khệ nệ bưng ra một thùng giấy cỡ trung, trong đó là những cây thánh giá với nhiều kích cỡ, chất liệu khác nhau. Hầu hết những cây thánh giá được làm bằng gỗ quý, tượng chịu nạn bằng đồng hoặc bạc. Trải qua khoảng thời gian dài, những cây thánh giá này vẫn còn giữ nguyên vẹn những đường nét tinh tế.

Cha lấy một cây thánh giá bằng khảm xà cừ ra, đặt lên bàn. Cây thánh giá cũ, không nguyên vẹn. Một mảng khảm trai phía trên đầu tượng chịu nạn bị mất. Nhưng cha quý cây thánh giá này lắm, bởi nó gắn liền với một nhân vật lịch sử.

Cha khoe cây thánh giá này là do nghĩa tử của cha tặng. Cha kể: “Đó là cây thánh giá của vua Bảo Đại. Năm 1975, vua Bảo Đại gia nhập đạo Công giáo. Ngày ông được rửa tội, người ta tặng cho ông cây thánh giá này.

Ông lấy bà Monique, người Pháp. Sau này chính bà tặng cho Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Dương, nghĩa tử của tôi. Biết tôi thích và sưu tập đồ cổ nên nhân dịp về Việt Nam, ngài tặng lại cho tôi”.

Giới thiệu xong, ngài cất cây thánh giá về vị trí cũ rồi dẫn tôi đi tham quan kho đồ cổ của ngài. Căn phòng nhỏ vừa là nơi cất giữ đồ cổ quý giá, vừa là nơi cha làm việc và gối đầu mỗi đêm, có một cây thánh giá mà tượng chịu nạn đã ngả màu cũ kỹ.

Cha chia sẻ: “Đó là cây thánh giá cổ nhất của tôi, gần 200 tuổi rồi, của ngoại quốc. Tượng chịu nạn bằng ngà, quý lắm, nhưng giờ cũng xuống nước và ngả màu rồi, không còn trắng như xưa”. Cha còn nói thêm, cha có khoảng 40 cây thánh giá cổ trong bộ sưu tập.

Tòa gỗ bí ẩn có tượng Chúa Hài đồng

Ngồi bên chiếc bàn cổ nghe Cha kể chuyện về đồ cổ. Bất giác tôi thấy chiếc tòa gỗ cao tầm 3 m, để gần bên phòng Cha Phụ tá giáo xứ. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là chiếc tủ đựng đồ nhưng không phải. Đó là một tòa bằng gỗ sơn son thếp vàng, có một khoảng trống ở giữa, nơi đó đặt tượng Chúa Hài đồng mặc áo dài Việt Nam theo phẩm phục hoàng tử và một đôi bàn tay ôm lấy Ngài.

Nhà tạm Thánh thể bằng gỗ hơn 100 năm tuổi với những nét hoa văn chạm trổ khá công phu, sắc sảo.

Hai bên khoảng trống, người ta chạm hình hai thiên thần đang vén bức màn, phía trên là ánh hào quang và mũ triều thiên, thiên thần và những vì sao. Tất cả được thếp vàng, nhưng qua thời gian, tòa gỗ không còn nguyên vẹn mà loang lổ đôi phần.

Dẫu vậy, nét tinh tế của nghệ thuật điêu khắc vẫn còn thể hiện trên những đường nét. Cha nói tòa gỗ này dùng để làm bàn thờ. Nhưng cha không nhớ mua từ khi nào, của vùng nào, cha chỉ nhớ rằng tòa gỗ được chạm trổ theo phong cách miền Bắc, từ ngoài Bắc đem vào và nó đã có hơn 100 năm.

Lần thứ hai ghé Giáo xứ Tân Sa Châu, tôi vẫn thích ngắm nghía tòa gỗ đó. Tôi để ý nơi đặt tượng Chúa Hài đồng, có chạm thiên thần ở hai bên và đó là hai cánh cửa. Bên trong là một ngăn nhỏ, chỉ có thể chứa được vài chiếc bình đựng bánh lễ.

Tôi thấy phía trước tòa gỗ, có chạm những hoa văn tinh xảo. Nhìn kỹ thì đây là chữ: “JHS”, chữ này thường được in trên bánh lễ hay nhà tạm Thánh thể. Tiếng Latin là Jesus Hominum Salvator, nghĩa là: Chúa Giêsu, đấng cứu độ nhân loại.

Như vậy, đây là nhà tạm Thánh thể của một nhà thờ nào đó ở phía Bắc. Khi họ không dùng nữa, bán đi và cha mua lại. Nhưng còn tượng Chúa Hài đồng sao lại có ở trong nhà tạm Thánh thể này là một điều khiến tôi thắc mắc. Để giải đáp thắc mắc của tôi, cha dí dỏm: “Thì cha đặt vô mới có chứ không đặt vô sao có. Ngu thế!”.

“Trên thế giới, đồ vật khoảng 50 năm là cổ, nhưng đối với Việt Nam, thì 100 năm mới được cho là đồ cổ”.

LM Giuse Nguyễn Hữu Triết

Ngổn ngang giữa nhiều món cổ vật, tôi còn thấy một bài vị cổ, viết chữ Nho, phía trước có một cây thánh giá, trông khá lạ. Định giơ máy lên chụp lại. Nhưng cha nói không phải cổ vật Công giáo. Tôi tò mò về chiếc thánh giá trước bài vị, cha cười: “Tôi chế ra đấy!”.

Bát bửu: Cổ vật thể hiện sự hội nhập văn hóa Việt

Nơi thư viện giáo xứ cũng để nhiều đồ cổ của cha sưu tập, trong đó có bộ bát bửu từ thế kỷ XX được cha bọc kỹ bằng lớp giấy dày. Cha nhờ người đem ra ngoài mới có thể xem toàn bộ bởi thư viện chật, không thể để được. Hai cha con phải mất một lúc mới mở hết các lớp giấy ra và đặt bát bửu vào đế đã được chuẩn bị sẵn. Cha nói: “Bát bửu là tám đồ thờ quý. Chỉ những ông trùm trưởng mới được dùng để đi rước kiệu chứ giáo dân không có chức sắc không được dùng”.

Bát bửu có nguồn gốc từ Trung Hoa được truyền vào Việt Nam vào thế kỷ XVII. Bát bửu được sử dụng trong những nơi thờ tự dân gian, chùa chiền, hầu hết là ở các tỉnh phía Bắc. Bát bửu có ba loại của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Cha kể, sau này để hội nhập với văn hóa địa phương, người Công giáo cũng làm bộ bát bửu phục vụ trong các nghi lễ phụng vụ.

Khác với bát bửu của Phật giáo, Nho giáo… bát bửu của người Công giáo có thánh giá ở phía trên. Hình ảnh của bát bửu Công giáo cũng gắn liền với những vật dụng thân quen trong các nghi lễ phụng vụ hay trong Kinh Thánh như: Mặt nhật, chén lễ, trái tim Chúa, quyển Kinh Thánh, bút lông… kết hợp với hình tượng hoa sen như thể hiện sự giao thoa văn hóa.

Cha chia sẻ cha có ba bộ bát bửu bằng gỗ giổi, sơn son thếp vàng, có từ cuối thế kỷ XIX, đầu XX. Cả ba bộ này đều có nguồn gốc từ vùng Bùi Chu, Phát Diệm nhưng cụ thể vùng nào thì cha không nhớ rõ.

Trưa, tôi tạm biệt và xin hẹn cha một dịp nữa để thỏa sức nghe những câu chuyện về kho đồ cổ tưởng chừng như vô tận của ngài. Tôi thì thầm hỏi nhỏ giá của những món đồ cổ. Vẫn câu cửa miệng dí dỏm, cha cười: “Bí mật, đồ cổ là vô giá, không nói chính xác được. Ngu thế!”.

Đồ cổ là vô giá, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn rằng, ngài đã bỏ không ít công sức để sưu tầm nó, không ít tiền để mua nó về bởi ngài kể có khoảng thời gian phải “nhịn ăn để sưu tầm đồ cổ”.

Hiện tại cha Giuse Nguyễn Hữu Triết có bộ sưu tập đèn cổ có thể nói là lớn nhất Việt Nam với khoảng 300 chiếc với tên gọi “Ánh sáng muôn dân”. Cha sưu tầm các loại đèn cổ của Việt Nam và cả các nước lân cận.

Hầu hết các cây đèn trong bộ sưu tập của Cha Triết có tuổi từ 100 năm trở lên. Cây đèn cổ nhất có tuổi ước tính gần 1.000 năm.

TÂM NGỌC

 

Mới hơn Cũ hơn