Mùa thu năm 1946, khi ngắm bức tranh Đức Mẹ Việt Nam hai tay ôm Chúa Hài đồng, Nguyễn Khắc Xuyên đã xúc động và bật lên cùng lúc cả lời lẫn nhạc bài Trên đường về quê.
Đưa bản sắc ngôn ngữ Việt vào ca khúc Tây phương
Tuy tuổi đã khá cao nhưng Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên không mất vẻ tinh anh và nói chuyện về thánh nhạc như một chàng nhạc sĩ trẻ. Nhân dịp đó tôi được nghe những giai thoại ngắn về việc ông sáng tác các bài thánh ca đã sống rất lâu trong lòng mỗi người Công giáo Việt Nam như: Cao cung lên (nhạc: Hoài Đức, lời Nguyễn Khắc Xuyên), Bê Lem ơi, Này dân Sion, Sống gần Mẹ, Lạy Mẹ xin yên ủi và đặc biệt là Trên đường về quê.
Chẳng ai dạy Nguyễn Khắc Xuyên về sáng tác nhưng âm nhạc của những bài thánh ca đã len lỏi vào huyết quản, trái tim ông từ những ngày còn là cậu bé 10 tuổi, học nội trú ở trường Thử (Hà Nội).
Tại đó, ông được học cách đọc các cung sách (sách dẫn đường giữ đạo, sách tập đi đàng nhân đức và truyện các thánh). Những cung giọng khác nhau khi đọc ba loại sách này đã giúp ông rất nhiều trong việc đưa bản sắc ngôn ngữ Việt Nam vào thể loại ca khúc Tây phương.
Nguyễn Khắc Xuyên (1923-2005) là cựu học sinh Trường Lasan Puginier Hà Nội trước khi vào tu học tại Chủng viện Hoàng Nguyên. Sau khi chịu chức linh mục năm 1954, ông gia nhập Hội dòng Xuân Bích rồi sang Pháp du học. Đến năm 1968 ông xin xuất tu với sự đồng ý của bề trên Tổng quyền Xuân Bích và được Tòa Thánh chuẩn nhận. Vào ngày cận tết Ất Dậu 2005, ông đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. |
Những người không học nhạc mà sáng tác như ông dễ mang mặc cảm tự ti, không muốn hoặc không dám phổ biến sáng tác của mình đến người xung quanh. Nguyễn Khắc Xuyên không như thế. Ông giới thiệu chúng đến những người mà ông cho rằng nắm vững chuyên môn hơn mình và cũng đón nhận những chỉ bảo với lòng quảng đại của các đàn anh.
Tháng 2-1945, ông gửi ba bài thánh ca Lạy Mẹ xin yên ủi, Tôi chỉ muốn yêu và Tiếng chuông chiều đến cho Nhạc sĩ Hùng Lân.
Ngắm tranh bật ra ca khúc
Kể từ Giáng sinh năm đó, ông được nhóm của Hùng Lân mời cộng tác. Trong khoảng thời gian 1946- 1948, Nguyễn Khắc Xuyên tham gia sáng tác thánh ca trong nhóm này. Đây là lúc ra đời bài thánh ca bất hủ Trên đường về quê.
Mùa thu năm 1946, khi ngắm bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Lê Văn Đệ (1906-1966) in trên một cuốn lịch treo tường mô tả Đức Mẹ Việt Nam mặc áo hồng điểm vàng, tóc đen để xõa, hai tay ôm Chúa Hài đồng, Nguyễn Khắc Xuyên đã xúc động và bật lên cả từ lẫn nhạc cùng lúc:
Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ,
Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?
Sau này, mặc dù bài thánh ca trên đã quá phổ biến, có người vẫn phê bình vì tác giả coi Đức Mẹ là nền tảng ơn Cứu độ chứ không phải Chúa. Tính đơn sơ của một nghệ sĩ chân chính nơi Nguyễn Khắc Xuyên đã cho ông lòng can đảm từ bỏ lối diễn tả dễ gây ngộ nhận đó mà chấp nhận đề nghị của Linh mục- N hạc sư Tiến Dũng để chúng ta có được ca từ mới:
Trên con đường về quê mà có bóng Mẹ,
Con tiến vững thêm lòng tin, tiến lên bằng yên.
Trên con đường về quê cùng bước với Mẹ,
Con tiến lên bằng yên, vững thêm lòng tin.
Nguyễn Khắc Xuyên đã rất vui khi được sửa đổi ca từ của mình để từ việc gây hiểu lầm “cần Mẹ hơn Chúa” trở thành “có Mẹ đồng hành”. Tiếc rằng cho tới nay nhiều nguồn tài liệu thánh ca trên các trang mạng vẫn còn giữ “mà vắng bóng Mẹ” để rồi nhiều ca sĩ, trong đó có cả một vài linh mục vẫn hát và ra CD “mà vắng bóng Mẹ” thay vì “đồng hành với Mẹ”.
Đức Giám mục Vinh Sơn NGUYỄN VĂN BẢN, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Thánh nhạc, Hội đồng Giám mục Việt Nam:
ĐIỂM NƯƠNG TỰA CHÍNH CỦA CHÚNG TA LÀ CHÚA
Trên đường về quê của nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên là bài hát rất hay, nổi tiếng cả trong và ngoài Giáo hội. Nhưng xét về mặt thần học và đối thoại tôn giáo thì nó có một số điểm cần xem lại. Trên con đường về quê mà chỉ có Mẹ, tâm tình này hơi chủ quan. Điểm nương tựa chính của chúng ta là Chúa, Mẹ là một phương thế mà Chúa dùng để giúp chúng ta. Nếu giữ nguyên lời này thì có nhiều điểm cần phải giải thích.
TS NGUYỄN BÁCH