Vatican nhìn quyết định rút lui của Tổng thống Joe Biden như thế nào


Ngày thứ ba 23 tháng 7, báo L’Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận chính thức của Vatican đăng bài xã luận hiếm hoi về việc Tổng thống Joe Biden quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.

Đức Phanxicô và Tổng thống Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Borgo Egnazia, miền nam nước Ý ngày 14 tháng 6 năm 2024. Vatican Media

Vatican không có thông lệ bày tỏ quan điểm về đời sống chính trị của một quốc gia, tuy nhiên Rôma vừa làm một ngoại lệ đáng chú ý khi ngày 23 tháng 7 báo L’Osservatore Romano đăng bài xã luận đáng chú ý về quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 21 tháng 7.

Nhà xã luận Alessandro Gisotti viết: “Đây là quyết định cao cả của tờ báo chính thức của Vatican, đánh giá Tổng thống đã đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân.”

Quyết định đưa ra không nhằm phục vụ chiến dịch bầu cử

Tờ báo nhấn mạnh: “Không những chỉ đưa ra các quyết định liên quan đến chiến dịch bầu cử, chúng ta có thể hy vọng Tổng thống sẽ có những sáng kiến mới can đảm và sáng tạo để đạt các mục tiêu xác định di sản của ông trong lịch sử, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại, ngay từ đầu với việc chấm dứt xung đột ở Ukraine và Trung Đông.”

Bài báo viết: “Năm 1999, Nelson Mandela đã đưa ra một quyết định tương tự – ở một vài khía cạnh còn mạnh mẽ và đáng chú ý hơn  – khi Tổng thống từ chối tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và rút lui khỏi đời sống công cộng.”

Tương tự như Đức Bênêđíctô XVI

Trong bài viết, tác giả đưa ra một điểm tương đồng bất ngờ với Đức Bênêđíctô XVI khi ngài từ chức năm 2013: “Mỗi lần một nhân vật lãnh đạo chọn đi lui một bước, lập tức họ tạo sự đồng cảm và quý trọng của dư luận. Chúng ta đã sống sự kiện này ngày 11 tháng 2 năm 2013 khi Đức Bênêđíctô XVI từ bỏ sứ vụ Phêrô. Trong 24 giờ qua, chúng ta cũng đã thấy sự việc này dù trong một bối cảnh khác.”

Vatican theo dõi cuộc bầu cử ở Mỹ, một số quan chức không che giấu sự lo ngại khi thấy ông Donald Trump của đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng. Vì kể từ khi Tổng thống công giáo Joe Biden đắc cử năm 2020, quan hệ của ông với Vatican rất cởi mở, vì thế giáo hoàng mất đi người đối thoại đáng tin cậy cho tương lai. Vatican cũng được Mỹ hỗ trợ rất mạnh trong các hoạt động hòa giải nhân đạo ở Ukraine. 

Đức Phanxicô được xem như một sứ giả

Đức Phanxicô được một vài nhà lãnh đạo xem như một phương tiện để gởi đến Tổng thống công giáo của đảng Dân chủ. Gần đây là trường hợp cuộc chiến ở Ukraine, khi một vài chính phủ lo ngại  Mỹ cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine có nguy cơ biến xung đột thành chiến tranh thế giới. Và trường hợp liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, khi các chính phủ xin giáo hoàng hỗ trợ một số yêu cầu của họ gởi đến Tổng thống Mỹ.


--- --- ----- -
Theo: Phanxico.vn

Mới hơn Cũ hơn

Middle Article Ad-1

Responsive Ad