Liệu Vatican có thể trở thành người kiến tạo hòa bình ở Ukraine không?


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The Vatican as Peacemaker in Ukraine?”, nghĩa là “Liệu Vatican có thể trở thành người kiến tạo hòa bình ở Ukraine không?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.Một vài ngày sau khi Đức Hồng Y Matteo Zuppi được bổ nhiệm làm người đứng đầu “sứ mệnh hòa bình” của Vatican để “giúp xoa dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine” (như Vatican News đã đưa tin), một bức ảnh gây sửng sốt xuất hiện trên trang nhất của tờ Washington Post. Hình ảnh đồ họa đó minh họa một nhiệm vụ khó khăn như thế nào mà Đức Hồng Y Zuppi và Phủ Quốc vụ khanh Vatican phải đối mặt. Đó là một bức ảnh vệ tinh chụp Bakhmut, một thành phố ở miền đông Ukraine dưới sự tấn công không ngừng của Nga trong nhiều tháng, và bức ảnh ấy mô tả sự tàn phá một đô thị tương đương với sự tàn phá của Berlin vào tháng 4 năm 1945.

Thêm vào đó là vụ bắt cóc trẻ em Ukraine của Nga, các vụ hãm hiếp, giết người và các tội ác chiến tranh khác do quân đội Nga gây ra, cũng như các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái bừa bãi của Nga vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine, và bất kỳ phân tích nghiêm túc nào về cuộc chiến đều dẫn đến một kết luận: Đây không phải là một “xung đột” đối xứng trong đó có thể hòa giải giữa các bên tranh chấp (như đã xảy ra ở Mozambique, nơi Zuppi và Cộng đồng Thánh Egidio đã làm việc để chấm dứt nội chiến). Đây là một tình huống hoàn toàn bất cân xứng, trong đó một kẻ xâm lược diệt chủng đang bị chống cự lại bởi những người dân tự do quyết tâm bảo vệ quốc gia và chủ quyền của họ.

Nói một cách đơn giản cho dễ hiểu là thế này: Nếu Nga thua, họ chỉ thua một cuộc chiến. Nếu Ukraine thua, dân tộc này sẽ diệt vong.

Chúng ta không chắc sự bất đối xứng cơ bản này và những tác động của nó đối với một nền hòa bình sau chiến tranh đã được Tòa thánh hiểu một cách đầy đủ hay chưa. Làm việc tại Rôma vào đầu tháng này, tôi đã nghe thấy tiếng vang về những lo ngại của Vatican rằng yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về việc rút tất cả các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm sẽ khiến cho một thỏa thuận thương lượng trở nên khó khăn. Phân tích đó dường như đã bỏ sót điểm chính trị quan trọng, đó là Tổng thống Zelenskiy, với tất cả tài hùng biện của mình, đang làm theo ý muốn của người dân, và không hề khuyến khích họ thực hiện những yêu cầu vô lý. Người ta cũng nghe thấy những tiếng vang tương tự về những lo ngại của Vatican đối với lập trường được cho là cực đoan trong cuộc chiến của Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic - như thể không có mối lo ngại hợp lý nào rằng bất kỳ hình thức chiến thắng nào của Nga ở Ukraine sẽ đặt các quốc gia đó (và cả Moldova) vào vị trí tiếp theo trong danh sách mua sắm của Vladimir Putin, nhằm đảo ngược phán quyết của Chiến tranh Lạnh.

Một số giới chức ở Vatican dường như cũng quyết tâm duy trì các mối liên hệ đại kết với Giáo hội Chính thống Nga, bất chấp sự thật hiển nhiên rằng ban lãnh đạo của Giáo hội đó thuộc quyền sở hữu của Điện Cẩm Linh - do đó tạo ra một sự bất đối xứng khác, trong đó các viên chức của Giáo Hội Công Giáo “đối thoại” với các đặc vụ đầy quyền lực của nhà nước Nga và là tài sản của các cơ quan an ninh Nga, những người xuất hiện dưới vỏ bọc của các giáo sĩ. Mối quan tâm này vượt ra ngoài Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, là một đặc vụ KGB tại trụ sở của Hội đồng Giáo hội Thế giới ở Geneva khi còn trẻ, và “bộ trưởng ngoại giao” mới của ông, Đức Tổng Giám Mục Anthony, người hoàn toàn là sản phẩm của Kirill. Mối quan tâm này tiếp tục bao gồm người tiền nhiệm của Tổng Giám Mục Anthony, là Tổng Giám Mục Hilarion, hiện đã được triển khai tới Budapest, người đã nhân chuyến thăm kéo dài 20 phút của mình với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của Đức Giáo Hoàng tới Hung Gia Lợi để đăng một video trên YouTube quảng bá cho điều hư cấu hết sức báng bổ rằng nước Nga của Putin là một người bảo vệ cho nền văn minh Kitô giáo.

Không điều nào trong số những điều này báo hiệu tốt cho một “sứ mệnh hòa bình” của Vatican. Nó thậm chí còn làm dấy lên khả năng rằng chính sách ngoại giao của Vatican, nếu không thừa nhận những bất cân xứng cơ bản về đạo đức và chính trị trong cuộc chiến tàn khốc này, có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, với một “sứ mệnh hòa bình” bị hiểu sai và thực hiện kém cỏi góp phần vào sự dối trá rằng có những bên tương đương trong xung đột này, những người phải được tập hợp lại với nhau trong một cuộc “hòa giải.” Sự sai lệch thực tế đó, được bảo trợ bởi cái mà một số người sẽ coi là thẩm quyền đạo đức của Tòa thánh, có thể làm suy yếu quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ bên bị hại trong cuộc xung đột này—là Ukraine—vì mục đích đạt được một điều chắc chắn sẽ chỉ là một nền hòa bình tạm thời với người Nga, là những người chắc chắn sẽ tiếp tục xâm lược sau đó.

Nếu không muốn điều này xảy ra, một số động thái nhất định của Vatican dường như là bắt buộc.

Đầu tiên, các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội nên nói rõ rằng họ hiểu tính chất sống còn của cuộc xung đột: Đây không phải là một cuộc cạnh tranh đối xứng giữa các “diễn viên” bình đẳng về mặt đạo đức và chính trị. Thay vào đó, cuộc chiến của Nga với Ukraine là một cuộc xâm lược không chính đáng, bất hợp pháp và mang tính diệt chủng, mà Ukraine phải tham gia vào như một hành động tự vệ cần thiết và chính đáng.

Thứ hai, Vatican nên đình chỉ tất cả các liên hệ đại kết chính thức với Chính thống giáo Nga cho đến khi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa chứng minh rằng đó là một cơ quan giáo hội, chứ không phải là một công cụ của quyền lực nhà nước Nga.

Nếu Nga, để đáp lại những lời giải thích rõ ràng như vậy (hoặc vì bất kỳ lý do nào khác), cản trở hoặc từ chối hợp tác với các nỗ lực nhân đạo được hoan nghênh của Vatican nhằm đưa trẻ em Ukraine trở lại Ukraine, thì bản chất xâm lược của Putin sẽ trở nên không thể phủ nhận. Và triển vọng về một “sứ mệnh hòa bình” của Tòa thánh có thể thực sự góp phần vào việc kiến tạo hòa bình cũng trở nên tỏ tường.

Mới hơn Cũ hơn